Cẩn trọng với muôn vàn kiểu lừa đảo trên ứng dụng Telegram

20/06/2023 18:00:06
Ra đời từ 2013, Telegram được đánh giá là ứng dụng chat tiên tiến với khả năng bảo mật cao. Tuy nhiên, đây cũng là nơi ẩn náu của nhiều tội phạm mạng chuyên đi lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin.

Telegram là gì?

Telegram là ứng dụng cho phép nhắn tin, gọi điện, chia sẻ tài liệu miễn phí. Đây là những tính năng mà hầu hết các ứng dụng nhắn tin khác trên thị trường như Messenger, Zalo, Skype… đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo chọn Telegram là nhờ tính bảo mật cao và xóa dấu vết dễ dàng.

Theo thống kê của Statista, Việt Nam hiện nằm trong top 10 nước ưa chuộng sử dụng Telegram, với gần 12 triệu lượt tải vào năm ngoái.

Những chiêu trò lừa đảo phổ biến trên Telegram

1. Đầu tư sinh lời

Thông qua mạng Internet, mạng xã hội như Telegram, các đối tượng lôi kéo “con mồi” đầu tư trên các sàn đầu tư ngoại hối, sàn giao dịch nhị phân, sàn chứng khoán quốc tế…  nhằm sinh lợi “khủng”.

Bước đầu, đối tượng lừa đảo nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn cho người tham gia truy cập và sử dụng trang web đầu tư. Trong đó có các thao tác như đăng ký tài khoản, thực hiện giao dịch đặt lệnh, xem kết quả đầu tư, kiểm tra tiền lãi, nạp tiền và rút tiền về tài khoản. Sau đó, kẻ gian mời người tham gia vào nhóm kín trên mạng để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thậm chí còn giới thiệu chuyên gia tư vấn để việc đầu tư đạt hiệu quả hơn.

Ở những lượt đầu tư với số tiền nhỏ, các đối tượng cho phép rút vốn lãi ở bất cứ thời điểm nào để tạo niềm tin cho người chơi. Tuy nhiên, khi đến những lượt đầu tư với số tiền lớn, các đối tượng sẽ viện ra nhiều lý do như hệ thống bị lỗi, thao tác đặt lệnh sai… để người tham gia không thể rút vốn lãi. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng sẽ chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

2. Kiếm tiền online tại nhà

Chiêu trò lừa đảo này đánh vào tâm lý muốn “việc nhẹ lương cao”. Đối tượng lừa đảo lập các tài khoản ảo trên Telegram và nhiều ứng dụng khác, đăng bài tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo. Với mỗi lần mua hàng, cộng tác viên sẽ được hoàn trả tiền gốc kèm tiền “hoa hồng” từ 10-20% giá trị đơn hàng.

Khi vào làm việc, các đối tượng sẽ gửi đường link các sản phẩm có trên trang thương mại điện tử và yêu cầu cộng tác viên tạo đơn hàng bằng cách thanh toán số tiền đúng với giá của sản phẩm thật vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp.

Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được thanh toán tiền gốc kèm hoa hồng như đã hứa. Những lần tiếp theo, các đối tượng yêu cầu tạo đơn hàng lớn hơn với số tiền chuyển khoản nhiều hơn. 

Một khi tiền đã gửi, các đối tượng sẽ đưa ra nhiều lý do như: chưa hoàn thành nhiệm vụ, hệ thống bị lỗi, tín nhiệm thấp, bị đóng băng tài khoản... và yêu cầu bị hại phải chuyển thêm tiền cho đơn hàng để được hoàn trả tiền và hoa hồng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền trước đó. Với tâm lý muốn nhận lại tiền, người tham gia liên tục chuyển tiền cho đến khi không còn khả năng chi trả. 

3. Dịch vụ hẹn hò qua mạng

Qua ứng dụng Telegram, các đối tượng lừa đảo đăng bài chạy quảng cáo, mời gọi làm thành viên Dịch vụ hẹn hò online. Người tham gia được cung cấp đường link để đăng ký tài khoản. Tiếp đến, các đối tượng yêu cầu truy cập vào đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống để hoàn thành nhiệm vụ và nhận hoa hồng.

Khi người tham gia lựa chọn gói dịch vụ và nộp tiền thì hệ thống thông báo sai dữ liệu, tài khoản bị khóa, thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu và mở lại tài khoản. Sau khi tham gia nộp thêm tiền thì mới cấp Thẻ thành viên hẹn hò.

Tuy nhiên, chuyển tiền xong thì các đối tượng lại đưa ra nhiều lý do để dụ người tham gia nộp tiền thêm nhiều lần nữa với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt.

4. Tuyển người mẫu nhí

Các đối tượng lừa đảo sẽ kết bạn với phụ huynh để mời đưa con em tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Những ai đồng ý sẽ được thêm vào một group chat để tham gia thử thách.

Thử thách mà các đối tượng đặt ra là chuyển tiền để mua sản phẩm hàng hiệu, sau đó cho con em làm mẫu ảnh để quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Ban đầu, chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ để “kích thích” phụ huynh tham gia. Nhưng khi số tiền chuyển vào càng tăng cao, chúng xóa tung tích nhằm chiếm đoạt số tiền đã chuyển.

5. Tạo nhóm cộng đồng, tạo bot

Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên Telegram là tạo nhóm, tạo bot để kiếm tiền. 

Kênh, nhóm là nơi để người dùng chia sẻ cách kiếm tiền, kiếm tiền ảo như coin, token… Các kênh hay nhóm chính là phương tiện để thu hút và lừa đảo những người dùng cả tin.

Còn kiếm tiền từ bot đơn giản chỉ là xem các quảng cáo hoặc video hiển thị từ các con bot là bạn sẽ nhận được coin. Khi đạt đến lượng coin nhất định, người dùng có thể rút coin về tài khoản. Tuy nhiên, người dùng có thể sẽ mất một khoản phí ban đầu không được hoàn trả, không rút được coin (quy ra tiền) về tài khoản hoặc buộc phải chuyển một khoản phí để hoàn thành giao dịch, thậm chí bị mất tiền khi bấm vào các đường link đen được chia sẻ.

Cần làm gì để tránh bị lừa đảo trên mạng?

  • Không nên tham gia đầu tư khi không có kiến thức chuyên sâu
  • Không đăng ký làm cộng tác viên, nhân viên mua bán đơn hàng ảo trên trang thương mại điện tử ; không nhập thông tin vào các đường link lạ gửi qua SMS, Zalo, Facebook. 
  • Không cung cấp thông tin số thẻ, mã CVC2, mã OTP cho bất cứ đối tượng hoặc đường link nào, kể cả người xưng danh là nhân viên ngân hàng, công an…
  • Trình báo cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 

Nguồn: Tổng hợp

 

4 mẫu áo cộc tay vừa mát mẻ vừa thanh lịch nên sắm trong mùa...
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá 4 mẫu áo cộc tay vừa mát mẻ vừa thanh...
Bật mí cách chăm sóc da dầu mùa hè
Mùa hè với thời tiết nóng bức, cường độ tia UV...
Mẫu giày phong cách tối giản được chị em yêu...
Để mặc đẹp mà chẳng cần nhiều thời gian suy...
1 loại quả chua ngọt bán rẻ ở chợ Việt nhưng...
Loại quả này được trồng nhiều trong vườn nhà...
Tóc luôn bồng bềnh, dày mượt nếu bạn tuân...
Dưới đây là lịch trình chăm sóc tóc với các...
Bài Hay Trong Tuần