Mang siêu thị đến tận nhà dân trong mùa dịch

06/08/2021 00:00:00
Mùa dịch, nhiều người dân ở Q.Bình Tân chỉ cần bước ra khỏi cửa đã thấy “siêu thị dã chiến” bán đầy đủ thịt, trứng, rau củ với giá phải chăng. Hơn nửa tháng qua, đã có 6.200 lượt người dân được mua thực phẩm sạch, giá rẻ trong thời gian cách ly, phong tỏa nhờ mô hình bán hàng lưu động này.

Siêu thị ngay trước cửa nhà dân

Sáng 30/7, nhiều xe tải đã chở thực phẩm đến chung cư Ehome 3, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM. Một “siêu thị dã chiến” cấp tập dựng lên ở một vị trí thông thoáng, phục vụ người dân liên tục trong vòng bốn giờ đồng hồ.

Nhiều tháng nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc mua hàng hóa, thực phẩm của người dân chung cư Ehome 3 gặp không ít khó khăn. Hôm nay, siêu thị đã đến tận cửa nhà, nhiều người tranh thủ xuống mua một số mặt hàng thiết yếu để sử dụng trong mùa dịch.

Chị Thu An (ngụ block A9, chung cư Ehome 3) chia sẻ: “Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, sợ cảnh chen chúc ở siêu thị, nên tôi thường mua hàng qua mạng. Nhưng, mua qua mạng thì món được, món không. Hôm nay, siêu thị đến tận cửa nhà, nên tôi xuống mua một số mặt hàng, giá lại rất rẻ. Tôi mua một lần để dành mấy ngày, khỏi phải ra đường”.

Điểm bán hàng lưu động chung cư Ehome 3 có khá đông người dân đến mua. Mọi người xếp hàng ở lối đi nội bộ, đứng giãn cách theo quy định. Đơn vị bán hàng bố trí hàng hóa theo kiểu “đường một chiều”, nên người dân chọn hàng, tính tiền, chỉ cần đi theo một đường thẳng để tránh lây lan dịch bệnh.

Một nhân viên phục vụ ở đây cho biết: “Do chính quyền địa phương đã có khảo sát trước nhu cầu của người dân, nên lượng hàng chúng tôi mang đến tiêu thụ rất nhanh chóng. Giá bán cũng bình ổn. Chỉ trong vòng một giờ, đã có hàng trăm lượt khách đến mua hàng”.

Trong ngày 30/7, Q.Bình Tân đã tổ chức bảy điểm bán hàng lưu động theo mô hình “mang siêu thị đến nhà dân” ở bảy phường trên địa bàn quận. Đây là những địa điểm có đông dân cư sinh sống, nhu cầu thực phẩm rất lớn.

Tại điểm bán hàng số 15 Nguyễn Văn Cự, P.Tân Tạo A, chị Nguyễn Thị Sen (36 tuổi, công nhân) vui mừng mua được trứng, rau xanh và thực phẩm khô. Chị Sen cho biết, nửa tháng nay chị hầu như không dám ra đường. Thực phẩm đắt đỏ, để tiết kiệm, chị Sen thường ăn đồ hộp và rau củ của phường và Mạnh Thường Quân phát tặng chứ không dám mua.

Trước đó, một chiếc xe buýt thực phẩm đã có mặt tại địa chỉ số 224 Chiến Lược, P.Bình Trị Đông để bán hàng. Khu vực này có khá đông công nhân, người lao động nghèo sinh sống. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, P.Bình Trị Đông đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức điểm bán hàng lưu động theo mô hình “Food Bus”. Gian hàng được đặt trên xe, người dân có thể lựa mặt hàng mình cần trong vòng vài phút.

Anh Trần Văn Bích (ngụ P.Bình Trị Đông) chia sẻ: “Nhà nước tổ chức chuyến xe bán hàng lưu động giá bình ổn để người lao động nghèo chúng tôi có cơ hội mua đồ tươi trong mùa dịch. Giá rau ở đây chỉ 20.000 - 30.000 đồng/ký, rẻ ngang với siêu thị, mà chỉ cần ra khỏi cửa nhà là mua được”.

Phát huy hiệu quả ở khu phong tỏa

UBND Q.Bình Tân cho biết, từ ngày 12/7, đơn vị đã triển khai bán hàng lưu động để cung ứng các mặt hàng thịt, cá, trứng, rau quả… và thực phẩm chế biến sẵn đến người dân. Tính đến ngày 30/7, Q.Bình Tân đã tổ chức trên 50 điểm bán hàng lưu động, phục vụ trên 6.200 lượt người dân. Dự kiến, mô hình này sẽ kéo dài cho đến khi hết thực hiện giãn cách xã hội. 

Ngoài mô hình bán hàng lưu động “mang siêu thị đến nhà dân”, Q.Bình Tân còn tổ chức “đi chợ giùm” người dân ở khu phong tỏa với hơn 750 đơn hàng. Cùng với đó, quận đã kết hợp các đơn vị liên quan xây dựng ứng dụng mua hàng trực tuyến, để người dân có thể tiếp cận nguồn thực phẩm thuận lợi hơn.

Bà Lê Thị Ngọc Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế Q.Bình Tân, TPHCM, cho biết để thực hiện mô hình bán hàng lưu động này, phòng Kinh tế quận đã kết nối với Hội Doanh nghiệp Q.Bình Tân, siêu thị AEON Bình Tân và liên hệ với các đơn vị bán hàng do Sở Công Thương TPHCM kết nối. Các đơn vị này sẽ làm vai trò cung ứng thực phẩm cho các điểm bán hàng lưu động.

Các phường trên địa bàn quận sẽ nắm bắt nhu cầu của người dân, rồi đăng ký số lượng mặt hàng, địa điểm bán hàng. Từ cơ sở các địa phương đăng ký, phòng Kinh tế Q.Bình Tân sẽ lựa chọn doanh nghiệp cung ứng mặt hàng phù hợp, để mang hàng hóa đến điểm bán.

Bà Lê Thị Ngọc Hương chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện mô hình này hơn nửa tháng qua, các hoạt động diễn ra khá trơn tru. Hiện nay, các địa phương đăng ký rất nhiều. UBND các phường sẽ là đơn vị khảo sát để chọn mặt hàng, địa điểm. Những địa điểm này thường là khu vực phong tỏa, đông dân cư, người dân có nhu cầu thật sự. Nhờ vậy mà hàng mang đến thường được tiêu thụ rất mạnh”.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc vận hành mô hình bán hàng lưu động “mang siêu thị đến nhà dân” thường diễn ra trực tuyến. Phòng Kinh tế Q.Bình Tân đã lập một group online để các địa phương cập nhật nhu cầu về thực phẩm. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, phòng Kinh tế sẽ là đơn vị kết nối để ngay hôm sau, thực phẩm sẽ đến tay người dân theo đề xuất của UBND các phường. 

“Việc kết nối online rất thuận lợi. Chiều nay các phường báo nhu cầu lên, trong sáng mai hàng sẽ đến địa điểm cần. Khi triển khai điểm bán, phường cũng liên tục cập nhật tình hình, hình ảnh vào group, để chúng tôi điều phối hàng hóa và nhắc nhở thực hiện quy định phòng, chống dịch”, bà Lê Thị Ngọc Hương cho hay.

Sau gần 20 ngày thực hiện, phòng Kinh tế Q.Bình Tân đánh giá mô hình này đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh chống dịch. Để vận hành mô hình “mang siêu thị đến nhà dân”, cần sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn (phòng Kinh tế) và các doanh nghiệp. Phòng Kinh tế sẽ là đơn vị cầu nối kết nối giữa đơn vị cung ứng và đơn vị có nhu cầu.

“Chỉ có một điểm khó khăn là chúng tôi phải thực hiện việc liên kết ngay tức thì. Địa phương vừa báo lên, chúng tôi phải chọn đơn vị cung ứng ngay, để sáng mai hàng hóa kịp đến với bà con. Cũng có khi trục trặc ở khâu vận chuyển, đơn vị cung ứng chuẩn bị hàng chậm hơn dự kiến, để bà con sốt ruột chờ đợi”, bà Lê Thị Ngọc Hương nói.

Do có sự kết nối nhiều đơn vị cung ứng, nên hàng hóa trước khi đến với người dân sẽ được chọn lọc thẩm định về chất lượng, mặt hàng và giá thành. Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia mô hình “mang siêu thị đến nhà dân” cũng san sẻ khó khăn với người dân trong dịch bệnh. Đặc biệt, Hội Doanh nghiệp Q.Bình Tân phụ trách cung ứng các mặt hàng giá ưu đãi.

Bà Lê Thị Ngọc Hương bày tỏ: “Thật ra chúng tôi chỉ chọn đơn vị nào giá phải chăng để bà con mua. Cùng một mặt hàng, chất lượng như nhau, đơn vị nào bán rẻ nhất thì chúng tôi chọn. Chúng tôi hiểu một điều rằng, trong dịch bệnh, nếu mặt hàng đó đến chỗ bà con giá hơi cao thì bà con sẽ khó mua. Qua khảo sát ở các điểm bán hàng, bà con rất mừng khi “siêu thị đến nhà”. Thấy bà con vui, mình là đơn vị tổ chức cũng thấy vui và ý nghĩa. Ngoài các điểm bán lưu động, Q.Bình Tân còn có hệ thống cung cấp hàng thiết yếu gồm: bốn siêu thị, 180 cửa hàng, tám bưu cục cung ứng rau, củ, quả để phục vụ bà con”. 

Sơn Vinh

4 thói quen khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể lên tới...
Những hành động vô tình trong cuộc sống thường ngày cũng có thể tăng nguy cơ...
4 loại rau "tẩy" dầu mỡ rất tốt, tuần ăn 3...
Đây chính là những món rau giúp thải mỡ, giảm cân...
Loại thảo mộc ngọt hơn đường gấp 200 đến...
Cỏ ngọt ít calo, không ảnh hưởng đến lượng...
Rau húng quế có tác dụng gì mà được ví là...
Rau húng quế có tác dụng gì mà được nhiều chuyên...
Dàn diễn viên mới trong Táo quân 2024 có tạo nên...
VTV vừa công bố những hình ảnh và thông tin về...
Bài Hay Trong Tuần