Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên thị trường các loại giấy ăn giả danh thương hiệu, giấy ăn giá rẻ, không nhãn mác, không nguồn gốc được bán tràn lan ở các khu chợ, trên mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử. Từ đây, giấy ăn giá rẻ, xuất hiện tại nhiều hàng quán, len lỏi vào mỗi gia đình.
Thường xuyên ăn hàng quán, chị Nguyễn Thị Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chỉ thấy giấy trắng, dai là dùng chứ không để ý tới nguồn gốc và chất lượng. Chị Mai cũng chia sẻ thêm, ngoài lau chùi vết bẩn dính trên mặt, miệng, tay hay quần áo thì chị còn dùng để lau bát, đũa trước khi ăn và không dám đỏi hỏi chất lượng giấy ăn ở các quán bình dân, rẻ tiền.
Tại một quán bún đậu mắm tôm ở khu vực chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ hàng cho biết trung bình mỗi tháng quán sử dụng từ 40 - 50kg giấy, tháng cao điểm có thể lên tới 80kg. Theo quan sát, những loại giấy này hình vuông màu trắng, hơi thô ráp, khá dai. Sử dụng nhiều như thế nhưng chủ quán không hề biết rõ về chất lượng, nguồn gốc của giấy ăn, chỉ biết người khác dùng thì cũng dùng theo.
Ở những quán ăn đông khách, giấy ăn luôn được nhập số lượng lớn, nhìn qua có vẻ sạch sẽ với mùi thơm khá dễ chịu nhưng khi sử dụng thì bị mủn, dính vào tay.
Trên mạng xã hội Facebook, loại giấy ăn vuông được quảng cáo, chào bán không ít. Người bán cho biết dùng giấy này siêu tiết kiệm cho gia đình đông người và các quán cơm sinh viên, mì gõ, quán bình dân…
Giấy được sản xuất từ bột giấy tái sinh, 2 lớp khá dai và có hương thơm dịu nhẹ. Giá bán mỗi gói giấy là 8.600 đồng, thông thường mỗi bao sẽ được đóng 10 gói. Người bán cũng khuyên các quán ăn nên mua hẳn 1 bao về dùng để tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Vì giấy ăn giá rẻ có nhiều tiện ích nên rất nhiều gia đình sử dụng mà không hề để ý tới chất lượng. Việc lạm dụng giấy ăn giá rẻ, giấy ăn rởm có thể gây nguy hại cho sức khỏe bởi trong giấy ăn có các nguyên liệu chứa xenlulo từ tre, nứa, gỗ…
Vài năm trở lại đây, nhiều nơi còn thu gom, giấy phế liệu tạp nham để chế biến thành các loại giấy ăn. Đặc biệt, có nơi còn tái sử dụng các loại giấy cũ bằng cách dùng thuốc tẩy là xút và javen khá nguy hiểm cho người sử dụng.
Tiện ích mà giấy ăn mang lại là rất rõ, nhưng ít ai hiểu rằng, những mảnh giấy ăn nho nhỏ ấy, nếu không lựa chọn kỹ và lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe. Trong giấy nói chung và giấy ăn nói riêng có nguyên liệu là các vật liệu chứa xenlulo lấy từ rơm, rạ, tre, nứa, gỗ, sợi bông... Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều nơi sản xuất đã tái sử dụng các loại giấy cũ bằng cách dùng thuốc tẩy.
Theo tìm hiểu của phóng viên, muốn có giấy ăn trắng, người ta dùng thuốc tẩy và thành phần chính của thuốc tẩy là xút và javen - hai loại hóa chất nếu tồn dư trong giấy ăn sẽ gây ra không ít hậu quả khi sử dụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Cao Thắng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nếu sử dụng giấy ăn kém chất lượng thường xuyên và lâu dài sẽ dễ mắc các bệnh về giác mạc và đường hô hấp khi bụi giấy của các loại giấy kém chất lượng gây ra dính vào mắt hoặc bay vào phổi và phế nang.
Ngoài ra, người sử dụng còn có thể mắc một số bệnh về da như viêm da cấp và mãn tính. Không chỉ thế, khi sử dụng thường xuyên các loại giấy ăn kém chất lượng cũng có thể mắc các bệnh về tiêu chảy, tả, lỵ thương hàn... và thậm chí là bệnh ung thư.
Ở nhiều nơi, người dân thậm chí còn sử dụng giấy vệ sinh làm giấy ăn. Nếu dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn trong thời gian dài có thể gây hại sức khỏe vì giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bụi giấy, gây ra những kích thích ở đường hô hấp. Cùng với đó, hóa chất chống ẩm, tẩy trắng tồn trên giấy có thể gây dị ứng khi kết hợp với mồ hôi, tạo nguy cơ viêm nhiễm các loại vi khuẩn, đặc biệt là virus herpes gây lở rộp môi.
Khi có nhu cầu sử dụng giấy ăn, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm của những thương hiệu uy tín hoặc có thể phân biệt bằng mắt thường: giấy ăn đảm bảo chất lượng thường mịn, không chứa những chấm tạp chất màu đen nhỏ li ti trên bề mặt, không bụi; chất giấy dai, khó rách, khi nhúng vào nước vẫn giữ được hình hài của giấy mà không bị vón cục.
Nguồn: Tổng hợp