Giá gà còn 6.000 đồng/kg, heo giảm mạnh, người tiêu dùng vẫn khó mua được thịt

06/08/2021 00:00:00
Các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chợ đầu mối ở TP.HCM ngưng, giảm hoạt động khiến nguồn gà, heo ở vùng Đông Nam bộ ùn ứ trong chuồng, không thể tiêu thụ, giá rớt thê thảm.

Giá gà rẻ như cho

Hiện người tiêu dùng ở TPHCM đang phải mua thịt gà với giá 60.000-70.000 đồng/kg (gà công nghiệp), thịt heo 140.000-250.000 đồng/kg. Do khan hiếm, nhiều cửa hàng thậm chí phải bán thịt đông lạnh nhập khẩu. Trong khi đó, cách TPHCM vài chục cây số, giá gà tại trại của người nuôi chỉ 6.000-7.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Quyết - Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi công nghệ cao Long Thành Phát (chuỗi bảy trang trại gà quy mô lớn ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) - cho biết giá gà công nghiệp lông trắng bán tại chuồng chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg. Ông cay đắng: “Giá rau cũng không rẻ như vậy”. Theo ông, nếu không giải quyết được đầu ra, giá gà có thể giảm tiếp. Trong năm 2020, giá gà lông trắng cũng giảm còn 8.000 đồng/kg nhưng chỉ vài ngày sau thì tăng trở lại. Riêng đợt này, giá đã giảm thấp đến vậy, lại chẳng có người mua. 

 

Giá heo hơi cũng giảm mạnh và người nuôi đang phải chịu lỗ. Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - hiện giá heo hơi bán tại trại chỉ còn 55.000-56.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Với việc giá cám không ngừng gia tăng thì giá thành sản xuất heo hơi phải hơn 60.000 đồng/kg. Người nuôi heo, gà đang chịu lỗ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/kg. Các thương lái đều tạm ngưng thu mua heo nên heo đủ trọng lượng vẫn không thể xuất chuồng. “Người chăn nuôi heo chỉ mới vừa gượng dậy sau đợt dịch tả heo Châu Phi, nay thêm đợt dịch này chắc không cầm cự nổi” - ông Nguyễn Kim Đoán lo lắng.

Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 7/2021, có đến 60 triệu con gia cầm (chủ yếu là gà) và lượng lớn heo đến ngày xuất chuồng nhưng bị tắc đầu ra. 

Hoạt động thu mua, giết mổ đều tê liệt

Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, hầu hết thương lái tại tỉnh Đồng Nai đang kinh doanh thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc môn, TPHCM). Khi chợ này tạm dừng hoạt động, những người này phải cách ly. Một số lò mổ lớn ở TP.HCM như An Hạ, An Nhơn cũng nằm trong vùng phong tỏa hoặc đóng cửa do không thực hiện được phương án sản xuất “ba tại chỗ”. Các tỉnh lân cận cũng có lò mổ nhưng công suất lại không lớn dẫn đến hoạt động thu mua heo, gà ở tỉnh Đồng Nai đình trệ. 

Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) - cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn thịt heo, gà về TP.HCM khó khăn, giá bán tới được tay người tiêu dùng tăng cao là do các chốt kiểm dịch giữa các địa phương chưa có sự đồng bộ mặc dù đã có chính sách lưu thông cho hàng hóa thiết yếu. Ông dẫn chứng, xe vận chuyển thực phẩm vào TPHCM thì được thông chốt vì trên xe có thực phẩm, nhưng khi giao hàng xong, xe về tỉnh lấy hàng, qua các chốt lại khó vì xe trống, các chốt yêu cầu chứng minh đủ thứ. 

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc An, những sự cố nhỏ tại nhà máy cũng có thể làm đình trệ nhiều khâu. Chẳng hạn, một chiếc máy đóng gói sản phẩm chế biến bị hư, cần đưa đi sửa chữa trong khi cơ sở cơ khí bị cấm hoạt động do không phải là đơn vị sản xuất hàng thiết yếu. Muốn sửa máy, cơ sở phải đề xuất với Sở Công Thương cho phép cơ sở cơ khí hoạt động lại, đồng thời cấp phép cho những thợ cơ khí ở đó được đi lại. Từ lúc đề xuất cho đến khi công nhân cơ khí đến được nơi làm việc phải mất nhiều ngày. 

Ông Nguyễn Ngọc An cũng nói thêm, giá heo, gà giảm mạnh còn do nhu cầu tiêu thụ đang giảm rất nhiều bởi hàng loạt quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể dừng hoạt động. Thêm vào đó, việc giết mổ trong bối cảnh giãn cách xã hội cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý nội tạng. Trước đây, khi các chợ truyền thống và hàng quán còn hoạt động, các phụ phẩm này dễ tiêu thụ, còn hiện nay, các doanh nghệp phải tiêu hủy phụ phẩm, kinh phí xử lý tốn kém lại mất một nguồn thu, từ đó cộng dồn vào giá thịt bán ra, khiến giá đắt hơn. 

Tháo gỡ lò mổ và tài xế xe tải

Theo ông Lê Văn Quyết, thời gian này, nếu được hoạt động, các cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ có thể giải quyết được đáng kể nguồn heo, gà tồn đọng, áp lực lên các cơ sở giết mổ hiện đại cũng giảm bớt, người tiêu dùng ở TP.HCM các tỉnh lân cận có thể mua được nguồn thịt tươi với giá rẻ, nông dân cũng bán được hàng. “Điểm nghẽn trong khâu tiêu thụ gà, vịt, heo hiện nay là ở các lò giết mổ. Chỉ cần các lò giết mổ hoạt động trở lại thì sẽ giải quyết được. Đối với các lò giết mổ có ca nhiễm COVID-19, chỉ cần khử trùng, sau bảy ngày là có thể đưa vào hoạt động chứ không nhất thiết phải phong tỏa 14-21 ngày” - ông Lê Văn Quyết đề xuất.

Ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng, sau bảy ngày phong tỏa, khử trùng, nhà máy giết mổ có thể đi vào hoạt động. Nhưng cái khó ở đây là tâm lý công nhân còn e ngại. Đa phần họ không dám mạo hiểm làm việc khi chưa được tiêm vắc-xin và phải ăn, ở tại lò mổ theo mô hình “ba tại chỗ” như quy định. Cách giải quyết tốt nhất hiện nay là cho công nhân giết mổ được tiêm vắc-xin để các nhà máy có thể hoạt động trở lại. 

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ - cho rằng chỉ khi công nhân được tiêm vắc-xin thì nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm mới dám hoạt động trở lại. Nhà máy An Hạ đã tạm ngưng hoạt động hai tuần nay, đã đăng ký tiêm vắc-xin cho công nhân nhưng đến nay, công nhân vẫn chưa được tiêm. Bà nói: “Chắc chúng tôi phải ngưng hoạt động cho đến khi công nhân được tiêm vắc-xin ít nhất một mũi, mới yên tâm hoạt động trở lại. Hoạt động mà đánh đổi an toàn sức khỏe của công nhân thì không doanh nghiệp nào dám làm”. 

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ - đề xuất Chính phủ cần có chính sách kêu gọi, khuyến khích cấp cho các tỉnh giấy phép xây nhà máy giết mổ quy mô lớn phù hợp với sản lượng chăn nuôi ở từng tỉnh, không cần ưu đãi gì. Ở nước ngoài, họ chăn nuôi ở đâu thì xây nhà máy giết mổ ở đó, rồi mới chở thực phẩm đến nơi tiêu thụ, nên nếu có một địa phương nào đó bị sự cố, thịt vẫn lưu thông. Ở nước ta lại làm ngược, nuôi ở các tỉnh nhưng lò giết mổ lớn lại tập trung ở TPHCM. Đây là điều không hợp lý và thực tế đã chứng minh, khi TPHCM bị sự cố do dịch bệnh thì gia súc, gia cầm ở tất cả các tỉnh, thành khác đều tắc nghẽn. 

“Bên cạnh đó, cần phải xây dựng thêm kho đông lạnh quốc gia với sự hỗ trợ giá điện từ Nhà nước. Các nước khác đều có kho đông lạnh dự trữ quốc gia, giá rẻ thì họ giết mổ đem đông lạnh, bất ổn thì họ đưa thực phẩm ra thị trường. Có như vậy, chăn nuôi mới bền vững, tiêu thụ mới ổn định. Còn như ở nước ta hiện nay, sản lượng tồn dư, giá xuống thấp, muốn giết mổ đem trữ lạnh cũng không có nơi chứa. Tới đây, người nông dân thua lỗ, sản lượng chăn nuôi sụt giảm thì giá lại tăng cao, nguồn cung khan hiếm” - ông Nguyễn Văn Ngọc phân tích. 

Một số chủ doanh nghiệp cho rằng, có thể khắc phục nhanh bất cập hiện nay bằng cách linh động khơi thông khâu vận chuyển hàng hóa, thực phẩm. Nên bỏ hẳn quy định kiểm soát xe tải chở hàng, chỉ cần yêu cầu các tài xế thực hiện nghiêm việc giãn cách khi giao, nhận hàng. “Có ý kiến cho rằng nên thành lập đường dây nóng để xử lý việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Tôi cho rằng điều này rất khó vì không thể xử lý hết các tình huống phát sinh và không phải tài xế nào cũng dễ dàng tiếp cận kênh trực tuyến này. Nếu không đồng bộ trong lưu thông, linh động trong xử lý thì tình trạng “nơi cần bán ứ hàng, nơi cần mua không có”  vẫn tiếp diễn” - ông Nguyễn Ngọc An nói. 

4 loại rau "tẩy" dầu mỡ rất tốt, tuần ăn 3 lần sẽ thải...
Đây chính là những món rau giúp thải mỡ, giảm cân cực tốt trong mùa này mà...
Loại thảo mộc ngọt hơn đường gấp 200 đến...
Cỏ ngọt ít calo, không ảnh hưởng đến lượng...
Rau húng quế có tác dụng gì mà được ví là...
Rau húng quế có tác dụng gì mà được nhiều chuyên...
Dàn diễn viên mới trong Táo quân 2024 có tạo nên...
VTV vừa công bố những hình ảnh và thông tin về...
Ăn món khoái khẩu lạp xưởng nướng đá 'hot...
Về nguồn gốc chế biến lạp xưởng và đá nướng...
Bài Hay Trong Tuần