Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, khoa Mắt tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ). Trong đó, 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như có giác mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).
Bệnh viện Mắt Trung ương cũng ghi nhận gần 2.600 ca đau mắt đỏ trong tháng 7 vừa rồi; hơn 2.400 ca bệnh trong tháng 8.
Theo bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viêm kết mạc cấp (còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt).
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó chủ yếu là do virus Adeno, tiếp đến do vi khuẩn tụ cầu, haemophilus influenzae lây qua tiếp xúc dịch tiết và dị ứng bụi...
Thông thường vào cuối mùa thu, thời tiết giao mùa là thời điểm thích hợp cho bệnh viêm kết mạc vào mùa.
Theo các chuyên gia y tế, đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, nếu vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt, bệnh diễn biến từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị, để bệnh kéo dài, thường xuyên tái phát, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, mù lòa…
Để phòng ngừa bệnh, tốt nhất là hạn chế để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, dùng riêng đồ dùng cá nhân, hạn chế đi bơi trong giai đoạn có dịch bệnh, mang mắt kính che bụi khi ra đường, rửa mắt với dung dịch NaCl 0,9% 3 lần/ngày… Riêng trẻ đang bị bệnh cũng nên hạn chế giao tiếp để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng.
Nguồn: Tổng hợp