Bếp gas sử dụng trong thời gian dài thường phát sinh một số trục trặc như đánh lửa kém, phải bật nhiều lần mới cháy. Tuy nhiên, việc liên tục bật mở bếp gas lại là hành động nguy hiểm.
Nguyên nhân là khí gas đã thoát ra ngoài theo những lần bật nhưng chưa cháy, tích tụ lại quanh buồng đốt, khi đạt đến nồng độ nhất định sẽ có nguy cơ phát nổ. Vì thế, nếu bếp gas không lên lửa, bạn không nên liên tục thực hiện hành động bật tắt. Nên mở cửa ra vào và cửa sổ để khí thoát ra ngoài, tránh gây cháy nổ.
Khi đun nấu nên chuẩn bị sẵn đầy đủ nguyên liệu và lên kế hoạch sẽ nấu những món ăn gì. Như vậy, một khi đã bật bếp gas thì mới có thể cho thức ăn vào nồi nấu một cách liên tục được. Việc bật tắt bếp gas nhiều lần trong một lần nấu cũng sẽ gây tốn gas nhiều hơn bạn nghĩ.
Trong nhà bếp có một số thiết bị điện thường xuyên sử dụng như nồi cơm điện, lò vi sóng, lò nướng hay ấm đun nước. Khi để trong môi trường ẩm, những thiết bị này dễ gặp các vấn đề như rò rỉ điện, chập mạch hay rỉ sét. Vì vậy, khi sử dụng, phải đảm bảo xung quanh thiết bị điện luôn khô ráo.
Bạn không thể vừa lấy thực phẩm ra từ ngăn đông tủ lạnh và đặt trực tiếp vào chảo dầu nóng vì bao quanh thực phẩm đông lạnh thường là một lớp sương giá. Lớp đá trên bề mặt thực phẩm là nước nên dẫn tới hiện tượng dầu bắn tung tóe, dễ gây bỏng cho người nấu cũng như người đứng xung quanh.
Thực phẩm đông lạnh cần được rã đông trước khi chế biến. Khi nấu, bạn cũng nên đậy kín chảo để dầu mỡ không bắn ra ngoài, tránh gây bỏng da.
Bột nếp, bột gạo hay tinh bột thường được đặt xung quanh bếp trong quá trình nấu nướng, tạo sự nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên cách làm này ẩn chứa nhiều rủi ro lớn. Lý do bởi bột chứa carbohydrate, là chất dễ cháy và nguy hiểm, vì vậy sẽ an toàn hơn khi để chúng cách xa bếp. Vì vậy để đảm bảo an toàn, các loại bột nên đặt tránh xa bếp nấu.
Lò vi sóng là một thiết bị quen thuộc trong khôn gian bếp, thường được sử dụng để rã đông, hâm nóng thức ăn hoặc sấy khô nguyên liệu một cách đơn giản, nhanh chóng.
Khi cho trứng sống vào lò vi sóng, lòng trắng và lòng đỏ chứa nhiều nước bị làm nóng nhanh và giãn nở mạnh, trong khi kích thước của vỏ trứng không thay đổi nhiều. Nhiệt sinh ra nhanh chóng trong quả trứng sẽ tạo nên một áp suất từ trong hướng ra ngoài vỏ, khiến những lớp bao ngoài không kịp giãn nở theo nên sẽ gây nổ. Vì thế trứng phát ra tiếng nổ lộp bộp khi đưa vào lò vi sóng, thậm chí áp lực lớn còn gây nổ, mất an toàn.
Nếu muốn luộc trứng bằng lò vi sóng thì có thể đổ nước vào bát thủy tinh hoặc sứ chuyên dụng, pha thêm chút muối và thả trứng sao cho ngập nước. Lưu ý, trường hợp trứng đã chín cũng có thể bị nổ khi cho vào lò vi sóng, bởi trong lòng đỏ và trắng vẫn chứa nhiều nước.
Nguồn: Tổng hợp